Chính Son Heung-min thừa nhận: "Tôi bị chấn thương quá nhiều trong mùa bóng trước. Tôi không bao giờ muốn người khác phải thất vọng về mình. Mùa này tôi không còn chấn thương nữa,hoắc kiến hoa nên không gây thất vọng".
Kỳ thực, nếu chỉ bàn về phong độ thì Son chưa phải quá hay. Anh vẫn tích cực di chuyển. Nhưng tốc độ không phải là vũ khí sở trường của một tiền đạo đã 31 tuổi. Anh không dũng mãnh như Erling Haaland (Manchester City). Cú sút dứt điểm của anh thì vẫn khá "hiền". Cái hay của Son Heung-min mùa này chủ yếu nằm ở khía cạnh chiến thuật. Lạ thay, anh tỏa sáng trong cái hoàn cảnh chẳng những không mấy thuận lợi mà còn bị cho là đầy bất lợi. Rất nhiều chuyên gia nhận định Son sẽ chìm vào quên lãng và Tottenham khó lòng vươn lên sau khi chia tay ngôi sao số 1 Harry Kane. Thủ quân đội tuyển Anh vừa là ngôi sao số 1 của Tottenham, vừa luôn là người đá cặp rất ăn ý với Son trước đây.
Không còn Kane, Son được tân HLV Ange Postecoglou đẩy vào giữa đá trung phong - lộ trình gợi lại giai đoạn thành công của Cristiano Ronaldo cách đây vài năm. Ở vị trí mới mẻ này, Son đã ghi 7 bàn trong 9 vòng đấu đầu tiên. Chỉ cần có thêm 3 bàn là anh bắt kịp tổng số bàn thắng của mình trong nguyên mùa trước. Các bàn thắng của Son là nguyên nhân lớn giúp Tottenham dẫn đầu bảng và HLV Postecoglou đi vào lịch sử: chưa có HLV nào từng kiếm được 23 điểm chỉ sau 9 trận đầu tiên ở giải Ngoại hạng Anh (cho dù giải này nổi tiếng về việc quy tụ các HLV giỏi nhất thế giới).
Ở mùa đầu tiên khoác áo Tottenham (2015-2016), tỷ lệ chạm bóng trong vùng cấm địa của Son chỉ là 7,6%. Từ đó trở đi, tỷ lệ này thường dao động ở mức trên dưới 10%. Mùa này, tỷ lệ chạm bóng trong vùng cấm địa của Son lên đến 19,4%. Chả trách anh thường xuyên ghi bàn trong vùng 16 m 50. Sáu bàn trong 4 trận đấu của Son đem về cho anh danh hiệu cầu thủ hay nhất trong tháng 9 ở giải Ngoại hạng. Mới đây nhất, chính Son lại ghi bàn và kiến tạo bàn còn lại cho James Maddison, giúp Tottenham củng cố ngôi đầu bảng bằng chiến thắng 2-0 trước Fulham.
Maddison, một tiền vệ mới tuyển từ Leicester, cũng chơi rất hay trong bước đầu ra mắt Tottenham. Điều này có liên quan chặt chẽ đến lối chơi của Son. Trung phong người Hàn Quốc hoạt động chủ yếu trong khu 16 m 50 và rất chịu khó di chuyển. Tất nhiên các hậu vệ luôn bị Son hút theo, từ đó mở ra khoảng trống cho Maddison tấn công. Tiền vệ này chơi rất sáng tạo, và trở nên đặc biệt nguy hiểm khi có khoảng trống.
Câu hỏi hồi đầu mùa: không còn Kane thì lối chơi "siêng năng" ở cả hai biên của Son sẽ trở nên lãng phí, vì Son biết phục vụ ai? Hóa ra, Son bây giờ đang được phục vụ, để chính anh ghi bàn. Còn người tỏa sáng trong vai trò kiến thiết là ngôi sao mới Maddison. Một công thức ít ai đoán nổi! Vấn đề ở đây không chỉ là Son đã lấp được khoảng trống mà Kane để lại. Xem ra, Tottenham còn chơi thoải mái hơn, tấn công hay hơn, khi tìm cách đưa quả bóng đến chân Son Heung-min, thay vì tìm cách đưa bóng cho Kane như trước đây.
Ban đầu, có vẻ chính Son cũng hơi bối rối với trách nhiệm mang băng đội trưởng. Giờ thì mọi chuyển ổn thỏa, và xem ra trách nhiệm đội trưởng lại trở thành động lực để Son luôn cố gắng tỏa sáng. HLV Postecoglou khen Son sau trận derby với Arsenal: "Anh không chỉ là cầu thủ giỏi, mà còn là một thủ lĩnh xuất sắc. Son luôn hoạt động tích cực và mọi việc mà anh làm đều hướng đến lợi ích cho toàn đội, hơn là cho mình".